Đoàn ĐBQH tỉnh tại phiên họp.
Tham gia thảo luận, đồng chí Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Ma Thị Thúy nhấn mạnh, trong bối cảnh tình hình trong nước và thế giới còn nhiều khó khăn thách thức nhưng tình hình kinh tế - xã hội nước ta tiếp tục phục hồi tích cực, ước cả năm 2024 mục tiêu tổng quát và 14/15 chỉ tiêu đạt và vượt mục tiêu đề ra theo Nghị quyết số 103/2023/QH15. Tăng trưởng kinh tế cả năm ước đạt khoảng 6,8-7%, vượt mục tiêu Quốc hội đề ra…
Đồng chí Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh đã đề cập đến thiệt hại nặng nề về kinh tế-xã hội do cơn bão số 3 gây ra, trong đó, Tuyên Quang là một trong 26 tỉnh nằm trong vùng ảnh hưởng, bị thiệt hại nặng nề. Tỉnh Tuyên Quang đã và đang nhận được sự quan tâm, chia sẻ, ủng hộ giúp đỡ to lớn của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương, các tỉnh, thành phố và nhân dân cả nước. Đồng chí nhấn mạnh, Đảng bộ và Nhân dân các dân tộc tỉnh Tuyên Quang trân trọng và biết ơn, sự chia sẻ với những khó khăn và thiệt hại do cơn bão số 3 gây ra.
Theo đại biểu Ma Thị Thúy, những thiệt hại từ cơn bão số 3 đã được Đảng, Nhà nước quan tâm dành nguồn lực đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, hỗ trợ làm lại nhà cửa cho nhân dân, bước đầu ổn định cuộc sống. Cùng với đó Chính phủ đã kịp thời ban hành Nghị quyết số 143 ngày 17/9/2024 về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để khẩn trương khắc phục hậu quả bão số 3.
Tuy nhiên, hiện nay tình trạng mất mùa, thiếu sinh kế là hiện hữu, Chính phủ cần quan tâm bố trí nguồn lực, gói hỗ trợ, lương thực, cây con giống, vật tư thiết yếu để nhân dân sớm phục hồi sản xuất, ổn định đời sống. Đồng thời, sớm triển khai các giải pháp dành nguồn lực hỗ trợ các địa phương miền núi có người dân bị mất nhà ở hoặc đang sinh sống quanh khu vực có nguy cơ cao bị ảnh hưởng bởi lũ quét, sạt lở đất không thể quay lại nơi ở cũ, cần phải di chuyển khẩn cấp đến nơi an toàn.
Đại biểu Ma Thị Thúy phát biểu ý kiến thảo luận.
Về kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, đại biểu Ma Thị Thúy cho rằng, công tác giảm nghèo thời gian qua đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Tuy nhiên, chưa thật sự bền vững, tỷ lệ tái nghèo, phát sinh nghèo còn cao. Vẫn còn chênh lệch mức sống, điều kiện tiếp cận dịch vụ cơ bản, tiếp cận thị trường, việc làm giữa các hộ nghèo, giữa các địa phương, các vùng miền còn rất khác nhau. Tỷ lệ hộ nghèo tại 74 huyện nghèo tuy có giảm nhưng vẫn còn rất cao (chiếm 31,72%), gấp 10,83 lần tỷ lệ hộ nghèo chung của cả nước đầu năm 2024.
Việc thoát khỏi tình trạng nghèo, đặc biệt khó khăn tại 22 huyện nghèo thuộc 17 tỉnh đến nay chưa đạt được mục tiêu đề ra. Nguồn vốn đầu tư cho Chương trình giải ngân còn thấp, dự kiến sẽ không đạt theo kế hoạch. Bên cạnh đó, tác động bất lợi của thiên tai, nhất là cơn bão số 3 vừa qua thì việc thực hiện Chương trình càng gặp nhiều khó khăn thách thức.
Đồng chí Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh kiến nghị Chính phủ cần đánh giá chính xác nguyên nhân khách quan, chủ quan ảnh hưởng đến kết quả thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, trong đó có chương trình giảm nghèo; trách nhiệm của từng bộ, ngành, địa phương về việc đạt kết quả giải ngân thấp của Chương trình. Cùng với đó, rà soát, đánh giá bổ sung tác động của thiên tai để có các giải pháp giảm nghèo khả thi, hiệu quả sát với thực tế các tháng cuối năm 2024 và năm 2025.
Bước sang giai đoạn 2026-2030, Chính phủ cần chỉ đạo tổng kết, đánh giá thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 để trình Quốc hội xem xét, quyết định thực hiện Chương trình giai đoạn tới với phương châm "đổi mới mạnh mẽ giúp các địa phương phát huy hết tiềm năng, thế mạnh cũng như khơi dậy sự vươn lên thoát nghèo của người dân".
Theo đại biểu, giảm nghèo là vấn đề đa diện, không chỉ là kinh tế mà còn bao gồm các yếu tố xã hội, chính trị và văn hóa. Trong thiết kế chính sách, nhà nước cần tập trung hỗ trợ người nghèo nâng cao năng lực sản xuất, quan tâm đến việc làm, tạo điều kiện để hộ nghèo chủ động phát triển sinh kế phù hợp điều kiện hộ gia đình, từng vùng, miền và phong tục tập quán. Đồng thời cần duy trì một số chính sách ưu đãi về vốn vay, y tế, giáo dục đối với hộ đã thoát nghèo từ 1 đến 3 năm, tạo nền tảng vững chắc hơn phòng ngừa thiếu hụt các chiều về dịch vụ xã hội để thoát nghèo bền vững.
Gửi phản hồi
In bài viết